Bẽ mặt giữa phố vì đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài
Đoạn video giả định do ngôi sao YouTube Josh Paler Lin thực hiện đã khiến nhiều người bất ngờ trước cách mà một bộ phận những người dân đối xử với người vô gia cư.
Josh Paler Lin sinh năm 1989 tại Đài Loan. Anh là một công dân California nổi tiếng trên Youtube, được cư dân mạng biết đến với biệt danh "hay đùa" cùng những clip trải nghiệm thực tế ý nghĩa.
Josh Paler Lin trở nên nổi tiếng sau khi đăng tải một video do chính anh tự làm có tựa đề "How Does A Homeless Man Spend $100?".
Trong video, Lin đã đưa cho một người đàn ông vô gia cư đồng tiền trị giá 100$. Sau đó, anh đã sốc khi thấy người đàn ông vô gia cư này dùng đồng tiền đó để mua đồ ăn cho những người vô gia cư khác thay vì mua rượu.
Video được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội thời điểm ấy và khiến hàng chục triệu cư dân mạng trên toàn thế giới cảm động rơi nước mắt.
Sau đó, Lin kể rằng anh đã nói chuyện với rất nhiều người vô gia cư và họ chia sẻ: "Mọi người đối xử với họ rất khác lạ, người ta không đối xử với họ như là con người".
Đây cũng chính là lí do khiến anh quyết định thực hiện đoạn clip giả định bằng cách ăn mặc nghèo khổ như một người vô gia cư và đến các nhà hàng sang trọng. Hãy thử xem mọi chuyện diễn ra như thế nào!
Tình huống thể hiện sự phân biệt đối xử giữa người vô gia cư và những khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu
Đoạn phim bắt đầu với cảnh Lin hóa trang thành người đàn ông vô gia cư nghèo khổ. Anh lần lượt đặt chân vào các nhà hàng sang trọng để yêu cầu được xem menu, gọi món dùng bữa.
Thế nhưng, khi nhìn thấy bộ dạng nghèo túng của Lin, những nhân viên trong nhà hàng đều đồng loạt từ chối phục vụ một cách thẳng thừng. Khi anh hỏi mình có thể ngồi dùng bữa ở đây không, nhân viên nhà hàng đáp dứt khoát là: "Không!" mà không cần đưa ra bất kì lí do nào.
Lin chưa bỏ cuộc, anh nói:
Tôi có chút tiền đây!
Tiền cũng không được, qua bên kia đi.
Ở bất kì nhà hàng nào, người vô gia cư cũng bị từ chối, với lí do: "Nếu anh ăn ở đây, khách hàng của tôi sẽ than phiền" hay "Có một nhà hàng rẻ hơn ở bên kia kìa!"
Lin trong bộ dạng người vô gia cư...
Và một tiếng sau, anh đã hoàn toàn..."lột xác thành người khác" và câu nói khiến vị quản lý nhà hàng bẽ mặt.
Một tiếng sau đó, Lin rũ bỏ hình ảnh khốn khổ, khoác lên mình bộ quần áo hàng hiệu đắt tiền và lái chiếc Ferrari sang trọng để quay trở lại đúng những cửa hàng mà anh vừa ghé qua.
Thật bất ngờ, bởi thái độ phục vụ của họ đều thay đổi "180 độ". Ngay khi vừa xuống xe, Lin đã được chào đón nồng nhiệt. Sau đó, các nhân viên và quản lý nhà hàng đều không tiếc thời gian nhiệt tình hướng dẫn, giải đáp mọi thắc mắc của anh, thậm chí họ còn liệt kê chi tiết các món ăn có trong thực đơn.
Lin bất ngờ nói với quản lý nhà hàng, người chỉ một tiếng trước không hề mảy may đến lời cầu xin của người vô gia cư nghèo khổ - cũng chính là chàng thiếu gia lúc này: "Ban nãy tôi vừa ra đây, anh có nhớ tôi không?
Tôi không hiểu, anh đánh giá người ta qua vẻ bề ngoài. Anh biết không, tôi không thấy đói nữa rồi. Cách anh đối xử với mọi người làm tôi thấy khó chịu".
Phán xét người khác không định hình con người họ, nó định hình con người bạn.
Nếu nhìn nhận ở khía cạnh khách quan, đoạn video này không hoàn toàn thực tế bởi đa phần những nhà hàng sang trọng đều hướng đến phục vụ đối tượng thực khách ở tầng lớp trên.
Do đó, để thể hiện sự tôn trọng đối tượng khách hàng riêng mà nhà hàng hướng đến, họ có thể từ chối phục vụ những người vô gia cư với bộ dạng rách rưới, nghèo khổ.
Nhưng tất nhiên rằng, sự thật ấy mang bản chất xấu, không bắt nguồn từ đạo đức và giá trị nhân văn, không phải là gốc gác của sự tiến bộ.
Xã hội ngày càng phát triển nhanh cuốn theo mọi thứ vào guồng quay liên hồi. Từ đồ ăn nhanh đến việc đánh giá người khác rất nhanh. Đôi khi chỉ cần nhìn lướt qua, nhiều người đã tự tin chắc chắn mình hiểu được một con người, một sự việc, một tình huống.
Nhưng thực tế cho thấy, không phải lúc nào những phán đoán, đánh giá đó cũng chính xác, như vị quản lý nhà hàng trong đoạn clip trên đã bị bẽ mặt và không thể trần tình cho hành động của mình đối với người vô gia cư.
Đừng chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài mà đánh giá một người, bởi nét đẹp của con người xuất phát ở nội tâm, ở tấm lòng cao cả và sự thánh thiện. (Ảnh minh họa)
Vẻ bề ngoài, suy cho cùng cũng chỉ là một lớp vỏ bọc. Trong cuộc sống, đâu cứ phải ăn mặc sang trọng, làm những công việc to lớn thì mới được coi là người đáng được coi trọng.
Có biết đâu, những con người nhỏ bé, làm những công việc bình thường lại là những con người không hề tầm thường. Quan trọng ở thái độ mỗi người khi ta chứng kiến, tiếp xúc cũng như đối xử với họ ra sao.
Hơn nữa, dùng hình thức mà phán xét người khác thì chứng tỏ chúng ta chỉ đánh giá một người một cách nông cạn.
Do vậy, hãy nhớ rằng, đừng bao giờ đánh giá con người qua vẻ bề ngoài của họ, và nếu chưa từng tiếp xúc, đừng vội vàng nhận xét về ai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét